Tham nhũng vặt và 'quan cách mạng'

Thứ sáu - 07/09/2018 10:34. Đã xem: 3302

 
 
Tham nhũng vặt dù không gây tác hại lớn về kinh tế, nhưng nó gặm nhấm lòng tin của người dân và hủy hoại hình ảnh nền công vụ. Tham nhũng tồn tại ở mọi quốc gia với mọi trình độ phát triển khác nhau. Nhưng cũng như bệnh tật, cùng một thứ bệnh nhưng mỗi người ở mức độ khác nhau, biểu hiện khác nhau mà nguyên nhân của nó luôn đa dạng
Tham nhũng vặt và 'quan cách mạng'

Ở ta, tham nhũng có trong mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực. Nhận định đó trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước phản ánh đặc điểm tham nhũng ở Việt Nam và đó là điều phải tính đến trước khi tìm ra kế sách ứng phó. Nếu như ở nhiều nước, tham nhũng thường chỉ tập trung vào những nhân vật có quyền lực lớn, với số lượng tiền bạc khổng lồ và hệ quả là sự sụp đổ của cả một Chính phủ (như ở Malaysia vừa qua), thì ở Việt Nam và một số nước đang phát triển, tham nhũng lại có tính chất tràn lan và hậu quả của nó cũng không hề nhỏ.

Tham nhũng vặt hậu quả không “vặt”

Người ta thường chia ra làm hai loại: tham nhũng lớn và tham nhũng nhỏ hay tham nhũng vặt. Tham nhũng lớn xảy ra với những người lãnh đạo cao cấp của nhà nước với số lượng tiền bạc chiếm đoạt rất lớn. Tham nhũng nhỏ xảy ra với công chức nhỏ, số tiền không lớn.

Tuy nhiên sự phân chia lớn nhỏ không nói lên tính chất nguy hiểm và mức độ tác hại của mỗi loại. Nếu như tham nhũng lớn như một thứ trọng bệnh có thể gây tử vong nhanh chóng, thì tham nhũng vặt lại giống như một thứ bệnh “ghẻ lở hắc lào”, có thể chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra sự khó chịu ghê gớm và tạo ra một hình ảnh xấu xí.

Tình trạng trên đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát một cách hình ảnh “Giờ ở nhà đi ra thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều, khiến người dân như bị ngứa ghẻ”, vì thế tham nhũng lớn hay vặt đều cần phải chống, phải “đả hổ, diệt ruồi”. Đây cũng là yêu cầu của Tổng Bí thư tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 16/8 vừa qua.

Tham nhũng nhỏ dù không gây tác hại lớn về kinh tế nhưng nó gặm nhấm lòng tin của người dân và hủy hoại hình ảnh nền công vụ. Bởi lẽ nó xảy ra khi người dân bình thường phải tiếp xúc với công quyền để làm các thủ tục - hiện thực hóa các quyền mà pháp luật trao cho họ. 

Tham nhũng vặt
Người dân bỗng chốc trở thành kẻ phải đi “xin” chính cái quyền của mình. Trong đời không dễ ai cho không ai cái gì, cho nên họ phải quà cáp, đút lót, phải “mua” chính cái quyền của mình.Trước hết, tham nhũng vặt là hệ quả của tư duy xin cho và thói quen ban phát. Bộ máy nhà nước sinh ra để phục vụ xã hội, công chức có trách nhiệm phục vụ người dân, những người nộp thuế nuôi bộ máy và nuôi chính họ. Tiếc thay hình như cái chân lý đơn giản ấy không phải ai cũng nhớ và họ cứ tưởng rằng làm thủ tục gì đó cho dân tức là mình đang “cho” dân được hưởng cái quyền đó.

“Bệnh” từ đâu đến?

Cũng như bất kỳ loại tham nhũng nào khác, tham nhũng vặt là nơi gặp gỡ giữa lòng tham và quyền lực. Quyền lực luôn có xu hướng tha hóa, lạm quyền và xu hướng này sẽ trở thành hiện thực, thành các hành vi tham nhũng, khi có cơ hội và trong những điều kiện nhất định. Đó chính là sự yếu kém của cơ chế kiểm soát quyền lực, cụ thể hơn là cơ chế kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Tham nhũng vặt phổ biến trong hoạt động của các cơ quan hành chính – sự nghiệp công lập nhà nước và cả trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Cũng như bất kỳ loại “bệnh tật” nào, nguyên nhân đều xuất phát từ nhiều phía.

Trước hết là do có quá nhiều thủ tục phiền hà, bất hợp lý mà việc vượt qua nó là vô cùng khó khăn, dẫn đến người dân, doanh nghiệp phải tìm cửa để quà cáp, bôi trơn… Từ đó sinh ra một tầng lớp trung gian, thực chất là môi giới hối lộ, để kết nối giữa cung và cầu, các loại “cò” vì thế mà nở rộ.

Cũng từ thực trạng này dẫn đến người dân có tâm lý e sợ mỗi khi phải làm thủ tục hành chính và “bỗng dưng” đưa hối lộ trở thành thói quen, được chấp nhận như một điều bình thường. Thậm chí người ta còn bảo nhau: “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Từ chỗ là nạn nhân, nhiều người trở thành đồng minh, đồng hành với tham nhũng vặt. Bác Hồ từng nói “quan tham vì dân dại” là thế.

Ở đâu cũng vậy, sự thiếu minh bạch là mảnh đất màu mỡ nảy nở những điều xấu xa, đục nước thì béo cò. Cái xấu lại không được phát hiện, nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời thì lan nhanh như một thứ bệnh truyền nhiễm.

Một nguyên nhân nữa là do đồng lương thấp. Các cụ tổng kết rồi, “đói ăn vụng, túng làm liều”, chế độ lương của chúng ta có quá nhiều điểm bất hợp lý và về cơ bản đồng lương công chức, nhất là những công chức không ở vị trí lãnh đạo, quản lý, không đủ sống. Điều này thúc đẩy họ đến chỗ tìm cách “tự xoay sở” trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đến mức mà nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng thốt lên “Người ta ăn của dân không từ cái gì nữa”.

Và tất nhiên không thể không nói đến nguyên nhân sự suy đồi về đạo đức, lối sống, về nhân cách của không ít những “công bộc” của dân, đã quên đi thân phận của mình mà lên mặt làm “quan cách mạng”.

Chống tham nhũng vặt rõ ràng không hề là chuyện vặt, nó đòi hỏi một sự kiên trì, đồng bộ trong các giải pháp và sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị, của người dân và toàn xã hội.

Hiện nay các cơ quan có trách nhiệm đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, cũng như bắt tay vào nghiên cứu Đề án phòng, chống tham nhũng vặt để đấu tranh với căn bệnh này. Những giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động thực thi công vụ, công khai minh bạch trong hoạt động quản lý, cải cách thủ tục hành chính… chắc chắn sẽ là những trụ cột cần tính đến.

Đồng thời với đó là việc nâng cao nhận thức của người dân, để người dân có ý thức chủ động tìm hiểu nắm chắc các thủ tục khi thực hiện các quyền của mình mà biết yêu cầu, đòi hỏi, mà nói không với phòng bì, quà cáp “nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra Liêm. Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm” như Bác Hồ đã dạy./.

TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
Tham nhũng vặt:

Tham nhũng vặt và 'quan cách mạng'

Xưa nay người ta chỉ nghĩ đến tham nhũng như hành vi của cán bộ công quyền, từ việc bòn rút tài sản công cho đến hạch sách người dân để nhận hối lộ. Thế nhưng nếu coi tham nhũng đơn giản là “lấy cái gì đó không phải của mình”, thì mức độ phổ biến của hành vi này còn lớn hơn rất nhiều trong xã hội.

Người dân liệu có tham nhũng được hay không?

Những ai muốn đi tìm câu trả lời, có thể nhìn vào sự cố mới bị phát hiện ở tỉnh Nghệ An. Vừa qua địa phương này phát hiện gần 900 người giả làm thương binh để nhận tiền trợ cấp, gây thiệt hại tạm tính lên đến hơn 120 tỷ đồng. Con số này khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi quy mô của nó ngang tầm với một vụ lừa đảo cỡ lớn. Điều này trước hết đặt dấu hỏi về năng lực quản lý của cơ quan chức năng, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ,T và sau đó, là vấn đề đạo đức: tại sao một số lượng lớn các cá nhân trong xã hội sẵn sàng đánh đổi danh dự để lấy vài trăm nghìn mỗi tháng? 

Đây là câu chuyện có lẽ không hiếm ở những nơi khác, dù diễn ra dưới các hình hài khác nhau: một gia đình “chạy” hộ nghèo để được hưởng ưu đãi vay vốn và tiền trợ cấp, ông bố bà mẹ sốt sắng đi “chạy điểm” vào đại học cho con, hay một anh xe ôm chạy lòng vòng để lấy thêm tiền của khách. Đáng sợ hơn, những hình thức gian lận như vậy không những không bị lên án, mà còn được coi là biểu hiện của khôn ngoan.

Giải pháp duy nhất để loại trừ tham nhũng vặt: làm trong sạch bộ máy nhà nước và loại trừ hoàn toàn nạn tham nhũng vặt của công chức, viên chức.
Một người sẽ bị coi là “dại” nếu không biết bớt xén đồ đạc, vật liệu của cơ quan để vun vén cho nhà riêng. Một lần, khi vật liệu được đổ ra bên đường để chuẩn bị cải tạo đường liên thôn, tôi thấy già trẻ trong một xóm gần đó hò nhau ra xúc cát, nhựa đường về “sửa lại cái sân trước nhà”. Tôi tin ai cũng có thể nghĩ ra một ví dụ minh hoạ cho cuộc “chạy đua tham nhũng” như vậy.

Xưa nay người ta chỉ nghĩ đến tham nhũng như hành vi của cán bộ công quyền, từ việc bòn rút tài sản công cho đến hạch sách người dân để nhận hối lộ. Thế nhưng nếu coi tham nhũng đơn giản là “lấy cái gì đó không phải của mình”, thì mức độ phổ biến của hành vi này còn lớn hơn rất nhiều trong xã hội.

Điều kinh khủng là khi coi tham nhũng chỉ là chuyện của nhà nước, tham nhũng sẽ dần được tầm thường hoá, là thứ ai cũng muốn làm, chẳng qua là chưa có cơ hội. Một xã hội không coi trọng liêm chính, minh bạch, và phẩm giá kiểu như vậy là một xã hội đang đứng bên miệng vực sâu. Nói như triết gia người Anh Hobbes, con người trở về với trạng thái tự nhiên nguyên thuỷ, nơi “tất cả đối đầu với tất cả”.

Và chúng ta không phải đang cách quá xa trạng thái đó. Việt Nam luôn nằm trong danh sách những quốc gia có chỉ số cảm nhận tham nhũng cao nhất, từ chỉ số CPI của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho đến những xếp hạng từ World Bank, Heritage, hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2016 của Việt Nam xếp hạng 113/176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn theo xếp hạng mới nhất của tổ chức Heritage về tự do kinh tế, Việt Nam xếp thứ 141/180. Và Lưu ý việc đo lường “mức độ” tham nhũng là rất khó, bởi vậy, những chỉ số nêu trên chỉ nhấn mạnh về cảm nhận của người dân. Khi “cảm nhận tham nhũng” xếp hạng càng cao, thì mức độ tin tưởng của họ vào tính liêm chính của bộ máy nhà nước càng thấp. Liệu chúng ta có thể đòi hỏi người khác “sống tử tế” nếu như chính mình không “sống tử tế”?

Điều này dẫn đến giải pháp duy nhất để loại trừ tham nhũng vặt: làm trong sạch bộ máy nhà nước và loại trừ hoàn toàn nạn tham nhũng vặt của công chức, viên chức. Khi “người bảo hiểm cuối cùng” của người dân là đáng tin cậy, thì họ có thêm sức mạnh để liêm chính. Những người tố cáo các sai phạm cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc lôi ra ánh sáng những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, trục lợi ở cả trong lẫn bên ngoài bộ máy nhà nước.

Trong những năm qua, hiện tượng này đã giảm đi đáng kể, đặc biệt là trong việc xử lý giấy tờ hành chính, hoạt động của cảnh sát giao thông/thanh tra giao thông,…Tuy nhiên, những tiến bộ này thường chỉ thấy ở những địa phương lớn, và mức độ giảm dần từ trung ương cho đến cơ sở. Thêm vào đó, dù được phân công vai trò “kiểm tra”, người dân thực sự vẫn chưa có nhiều tiếng nói trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Luật Tiếp cận Thông tin, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 vừa qua, là cơ sở đầu tiên để thay đổi thực trạng này. Tuy nhiên, người dân cần nhiều hơn nữa những cơ chế giúp họ trực tiếp tham gia, ví dụ như thành lập hội, tổ chức giám sát, hay được đảm bảo các quyền tố cáo tham nhũng bằng các hình thức khác nhau.

Thực tế cho thấy xử lý “tham nhũng vặt” khó hơn nhiều so với các đại án tham nhũng. Thay vì chỉ xẩy ra trong một khu vực nhỏ (nhà nước), nó có thể diễn ra ở mọi ngóc ngách với nhiều hình thức khác nhau. Chúng còn là hiện tượng dễ được chấp nhận hơn do thiệt hại kinh tế nhỏ, khiến nhiều người tặc lưỡi bỏ qua khi chứng kiến sai phạm. Nhưng hoạ phúc diễn ra không chỉ trong một ngày, im lặng với tham nhũng nhỏ dần dần sẽ tạo quán tính cho những vụ tham nhũng lớn hơn. Xã hội chỉ bền vững khi đặc lợi cá nhân, trong trường hợp đa số, luôn bị đặt dưới tính liêm chính và công bằng.

Nguyễn Khắc Giang
Nguồn: Vietnamnet

 Từ khóa: hatechs, tham nhũng vặt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Tuyển sinh cao đẳng chính quy
Đăng ký trực tuyến hệ cao đẳng chính quy, hệ đào tạo liên kết, du học Nhật Bản
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây