Những “con sâu” liệu có biết đau trước thiên tai tang tóc?

Thứ tư - 18/10/2017 15:40. Đã xem: 2393

 
 
(Dân trí) - Trong nhận thức của rất nhiều người cho đến nay vẫn coi tham nhũng là một hành vi gì đấy phải kinh khủng, to tát lắm mới đáng bị lên án. Cỡ như Giang Kim Đạt, cỡ OceanBank, cỡ thiệt hại vài trăm, vài nghìn tỷ chứ tiền triệu thì nhằm nhò gì so với ngân sách khổng lồ cả nước?!
Những “con sâu” liệu có biết đau trước thiên tai tang tóc?

Cách đây vài tháng, tôi có dịp trò chuyện và lắng nghe chia sẻ của bí thư một huyện miền núi, nơi tập trung nhiều rừng phòng hộ. Nhấp chén trà chát, đôi mày nhíu lại, cặp mắt nhìn xa xăm, ông bảo: “Bây giờ đỡ rồi, chứ ngày xưa cứ mỗi lần có cán bộ miền xuôi lên, người ta lại bảo: Chẳng lẽ anh em bao năm phục vụ ở đây rồi về không được bộ cánh cửa làm kỷ niệm? Mỗi người một ít. Đại ngàn nay vẫn rộng, nhưng chẳng còn nữa mà bòn”.

Bộ cánh cửa… mà ông lãnh đạo huyện nhắc đến, tôi tin là chẳng phải chuyện riêng của một địa phương nào, cũng không chỉ dừng lại ở một lĩnh vực nào trên đất nước. Tôi cũng chắc rằng, khi “xin” về vài tấm gỗ, chẳng ai nghĩ hành động đó của mình lại đến mức gây tổn hại đến rừng phòng hộ hoặc tự quy kết bản thân có hành vi tiếp tay phá hoại hay tham nhũng, tham ô.

Trong nhận thức của rất nhiều người cho đến nay vẫn coi tham nhũng là một hành vi gì đấy phải kinh khủng, to tát lắm mới đáng bị lên án. Cỡ như Giang Kim Đạt, cỡ OceanBank, cỡ thiệt hại vài trăm, vài nghìn tỷ chứ tiền triệu thì nhằm nhò gì so với ngân sách khổng lồ cả nước?!

Cho nên, khi chưa bị kỷ luật, khi chưa ra đứng trước vành móng ngựa với những con số gây sốc thì vẫn còn đó những câu chuyện “vặt vãnh”, “ngày thường ở huyện” như biệt phủ của ông này, xế hộp của bà kia, con ông này “thần tốc” leo cao, cháu bà kia đột nhiên lên chức lớn dù trình độ chẳng có gì, v.v… Tài nguyên đất nước, tài sản quốc gia trở thành “kho báu” béo bở mà mỗi khi nhặt nhạnh, người ta thì thầm với nhau: “Chắc họ nói tham nhũng ở đâu chứ chẳng phải nói mình”.

Bây giờ thì rõ rồi đấy. Rừng đốn mãi cũng cạn kiệt; những dự án, công trình bị bòn rút đến lúc đối mặt với thiên tai chưa kịp chống chịu thì đã xập xệ, hỏng hóc. Ngân sách công khi chi tiêu không được kiểm soát chặt, rốt cuộc không ít sẽ vào túi một số cá nhân, mà người hưởng lợi nhẽ ra là người dân thì rốt cuộc họ lại phải gánh chịu hậu quả.

Đôi lúc – như thời điểm này đây, tôi thực sự rất tò mò, không biết “ai đó” đang sống trong những khu dinh thự kiên cố với tủ bàn, giường sập bằng gỗ quí bằng tiền thuế, mồ hôi nước mắt nhân dân, họ có áy náy không, có cảm thấy không đành không khi chứng kiến cảnh tượng đau lòng mà những người dân xung quanh họ phải trải qua? Họ có thấy mình có liên quan không khi hàng trăm, nghìn người dân mất nhà vì sạt lở, vì lũ lụt… hay họ vẫn đinh ninh thứ suy nghĩ: tất cả do lỗi ở trời?!

Có câu chuyện ngụ ngôn, đại ý rằng mưa bụi dễ làm ướt áo hơn là mưa dông. Những món tư lợi nhỏ tưởng vô hại, nhưng thực ra có thể là nguyên nhân gây ra những mối tai ương lớn. Ai nói tham nhũng nhỏ lại không gây chết người?

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII diễn ra mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị từng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức “cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa!”.

Đó không chỉ là một lời khuyên, mà còn là một lời cảnh tỉnh. Bởi nếu như lương tâm không cắn rứt, ý thức không tỉnh ngộ thì đến một ngày, trước công lý và pháp luật, danh dự một đời cũng sẽ tiêu tan, không thể nào cứu vãn.

Bích Diệp
Nguồn: Blog Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Tuyển sinh cao đẳng chính quy
Đăng ký trực tuyến hệ cao đẳng chính quy, hệ đào tạo liên kết, du học Nhật Bản
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây