Thủ khoa chăn lợn thì đã làm sao nhỉ?

Thứ ba - 10/10/2017 23:40. Đã xem: 2439

 
 
(Dân trí) - Mà thủ khoa chăn lợn thì sao nhỉ? Sao cứ nghĩ đi học lại phải là ông nọ bà kia? Vả lại, cánh cửa này khép lại tức là đã có một cánh cửa khác mở ra. Với những kiến thức đã có, em hãy chịu khó tìm hiểu tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi để phấn đấu trở thành một người nuôi lợn giỏi.
Thủ khoa chăn lợn thì đã làm sao nhỉ?

 >> Vụ Thủ khoa ở nhà nuôi lợn: “Đừng bám mãi vào cái mác… thủ khoa”

thu khoa that nghiep

Xin nói thẳng, tôi viết những dòng này cho em (nhưng không chỉ cho riêng em) với tư cách một công dân nói chuyện với một công dân về trách nhiệm đối với cuộc đời, gia đình và cả xã hội bởi khi đã tốt nghiệp đại học, tức là em ít nhất đã 22 tuổi.

Xin nói đôi chút về nhân vật mà tôi định trò chuyện này. Đó là em Bùi Thị Hà (Hà Giang), thủ khoa của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, người sau khi tốt nghiệp một năm vẫn không tìm được việc làm, ở nhà phụ mẹ nuôi lợn, trồng rau, bán hoa quả ngoài chợ.

Theo phản ánh từ PV Dân trí, giờ này năm ngoái, Hà là một trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Cầm tấm bằng xuất sắc trở về quê với ước mong cháy bỏng trở thành cô giáo dạy Văn nhưng suốt một năm mong ngóng, đợi chờ trong thấp thỏm và hi vọng, Hà vẫn không tìm ra cơ hội nào hiện thực ước mơ.

Bùi Thị Hà sinh ra trong gia đình thuần nông thuộc hộ cận nghèo, bố em đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn giao thông khiến kinh tế gia đình càng thêm eo hẹp. Để nuôi 3 đứa con học đại học, mẹ Hà một mình tần tảo bươn chải làm đủ mọi nghề. Chị gái của Hà mới tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, còn em trai đang là học viên năm 4 trường Sĩ quan Chính trị. Không ít lần vì quá thương mẹ mà Hà định nghỉ học giữa chừng.

Nhưng khát vọng được trở thành cô giáo đã giúp em nỗ lực vượt khó và xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 vào năm 2016.

Tốt nghiệp ra trường, ấp ủ nguyện vọng về quê cống hiến nhưng không tìm được việc. Nữ thủ khoa đã viết tâm thư gửi Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang bày tỏ ý nguyện xin được việc làm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

“Ngay sau đó, Phó Chánh văn phòng tỉnh Hà Giang cũng xuống tận nhà hỏi thăm, động viên em đợi khi nào có đợt thi tuyển giáo viên sẽ gọi. Thế nhưng em chờ một năm qua vẫn không có đợt. Em không biết sẽ đợi đến bao giờ", Hà kể.

Câu hỏi đặt ra, là điều gì đã khiến một thủ khoa của một trường Đại học có tên tuổi lại thất nghiệp?

Ở đây có nhiều cách lý giải. Thứ nhất, đó là sự ế ẩm của thị trường ngành nghề sư phạm, nơi mà tại kỳ tuyển sinh vừa qua, chỉ cần mỗi môn 3 điểm là có thể trở thành thầy, cô giáo trong tương lai. Cái sự “vơ bèo, vạt tép” này dã khiến thị trường hỗn loạn, cung cao hơn cầu.

Nguyên nhân thứ hai là tình trạng chung của khâu đào tạo tại nhiều trường đại học, đó là chất lượng không phù hợp với thực tế. Hầu hết sinh viên ra trường muốn đi làm thường đều phải đào tạo lại. Thậm chí, không ít em còn không hiểu một chút gì về công việc mình phải (và được) làm.

Song, có một nguyên nhân cũng không kém phần quyết định, đó là việc tuyển chọn theo công thức 4 ê “hậu duệ”, “quan hệ”, “tiền tệ” và “trí tuệ” xếp cuối cùng. Cái vị trí của “trí tuệ” đã bị xâm lấn qua ba lần “ệ” nên khả năng có việc của “giai tầng trí tuệ” là rất mong manh.

Xét hoàn cảnh Thủ khoa Bùi Thị Hà, bố mất sớm, một mẹ nuôi 3 người con, kinh tế eo hẹp, tức là hậu duệ không phải, quan hệ không có, tiền tệ cũng không nốt lại ở cái tỉnh xa tít nơi biên cương thì việc Hà không được làm đúng cái nghề của mình là điều không khó hiểu.

Vì thế, lời hẹn của ông Phó Chánh văn phòng tỉnh Hà Giang “khi nào có đợt thi tuyển giáo viên sẽ gọi” hoàn toàn có thể chỉ là “lời nói gió bay”.

Cho nên chừng nào còn những 5 C (con cháu các cụ cả) và 4 ệ thì khi đó, những thủ khoa như Bùi Thị Hà nhặt rau, chăn lợn… không có gì lạ.

Mà thủ khoa chăn lợn thì sao nhỉ? Sao cứ nghĩ đi học lại phải là ông nọ bà kia? Vả lại, cánh cửa này khép lại tức là đã có một cánh cửa khác mở ra. Với những kiến thức đã có, em hãy chịu khó tìm hiểu tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi để phấn đấu trở thành một người nuôi lợn giỏi.

Chợt nhớ câu nói của một doanh nhân vĩ đại Mỹ, hình như là John Davidson Rockefeller đại để rằng “Nếu là người móc cống, tôi sẽ là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ”.

Biết đâu một ngày nào đó, Việt Nam lại xuất hiện một tí phú USD nhờ nghề chăn nuôi lợn?

Khi đó, có lẽ chỉ có điều hơi… ngượng cho những người vinh danh em bởi họ vinh danh em là thủ khoa dạy người chứ không vinh danh em là thủ khoa chăn nuôi của Đại học Nông nghiệp. Thế thôi!

Bùi Hoàng Tám
Nguồn: Blog Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Tuyển sinh cao đẳng chính quy
Đăng ký trực tuyến hệ cao đẳng chính quy, hệ đào tạo liên kết, du học Nhật Bản
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây