Xây dựng mạng ảo – Phần 2: Mạng thiết bị Cisco

Thứ hai - 05/06/2017 16:41. Đã xem: 4372

 
 
Bạn đang theo học một khóa CCNA tại một trung tâm, hay bạn đang đọc tài liệu về Router Cisco và tự học. Chắc bạn không giàu đến nỗi mua vài chiếc Router mang về để làm lab đấy chứ?
Xây dựng mạng ảo – Phần 2: Mạng thiết bị Cisco
tinh bao mat thong tin
Router Cisco – học trên thiết bị thật hay thiết bị ảo?

Router ảo hầu như là giải pháp chính mà người học mạng Cisco lựa chọn để thực hành ở nhà. Vậy đâu là chương trình giả lập tốt nhất? Thật khó trả lời, vì mỗi cách và mỗi chương trình giả lập đều có những ưu khuyết điểm riêng.

Đầu tiên là các bài lab giả lập theo dạng Flash. Ưu điểm của các Router ảo này là bạn sẽ quen với việc làm bài lab trong kỳ thi quốc tế CCNA. Còn yếu điểm của các tập tin .SWF này là bạn gần như phải đi theo các bước tuần tự mà nó đưa ra mà không được phép sáng tạo một bước nào.

 

Cách thứ hai, là bạn sử dụng các chương trình giả lập Router của các hãng chuyên luyện thi CCNA như như Boson NetSim hay RouterSim. Các chương trình này đã giải quyết phần nào những khuyết điểm của nhóm tập tin Flash phía trên. Bạn đã có thể thay đổi thứ tự các câu lệnh miễn sao cuối cùng bạn thực hiện đầy đủ phần cấu hình theo bài tập đã đưa ra. Các chương trình dạng này cũng cho phép bạn tạo các sơ đồ mạng theo ý thích. Tuy vậy, chúng vẫn còn nhiều khuyết điểm do lỗi lập trình. Nghĩa là bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những lỗi không thể nào có trong môi trường thực, nhưng lại xuất hiện trong môi trường giả lập này.

Vượt trội hơn tất cả các chương trình giả lập trên, Packet Tracer là một chương trình giả lập dành riêng cho học viên chương trình Cisco Academy nên đạt được một độ tin cậy cao trong quá trình thực hành. Không chỉ giả lập phần giao diện dòng lệnh, Packet Tracer còn cho phép người dùng thao tác tháo lắp thêm bớt các phần cứng mở rộng như Card, Module... Bạn phải thực hiện đúng như trong thực tế, ví dụ như tắt nguồn trước khi lắp thêm phần cứng, và mở nguồn lại trước khi có thể tiến hành cấu hình Router.

Dù gì, thì đây cũng chỉ là một phần mềm, nên khi giả lập, nó không thể đưa toàn bộ các lệnh mà hệ điều hành liên mạng IOS của Router Cisco đang có vào đó được. Dẫn đến một điều là nếu bạn muốn thử một lệnh lạ, vốn có trong IOS của Router, nhưng Packet Tracer lại không nhận ra!

 

Và cuối cùng, cách giả lập ảo mà thực nhất được người học mạng Cisco ưa chuộng là chương trình Dynamips / Dynagen. Đây vẫn là một chương trình giả lập trên máy tính, nhưng nó sử dụng IOS thật của Router Cisco. Bằng cách giả lập trình thông dịch tương tự như trong Router Cisco thật, nó đọc tập tin .bin chứa hệ điều hành liên mạng IOS rồi tương tác với người dùng. Như vậy, bất cứ lệnh nào có trong phiên bản IOS mà bạn đang đưa vào chương trình Dynamips/Dynagen, bạn đều có thể sử dụng chúng, không khác gì khi bạn dùng trên Router thật. Bạn cũng có thể kết nối các Router trong Dynamips/ Dynagen ra các PC hay Router bên ngoài mạng LAN thật, thông qua cổng FastEthernet.

Yếu điểm của chương trình này là việc tiêu tốn rất nhiều tài nguyên hệ thống (RAM/CPU) trên máy tính giả lập. Ngoài ra, phần cấu hình kết nối thiết bị được thực hiện bằng cách hiệu chỉnh tập tin văn bản, nên cũng gây khó khăn cho những người mới bắt đầu. Tuy nhiên, công cụ mở rộng mang tên Graphic Network Simulator (GNS) có thể giúp làm đơn giản hóa vấn đề này.

 

Các bước sử dụng cơ bản chương trình Packet Tracer 5.1

Nếu chưa cần thử nghiệm những vấn đề mạng quá cao cấp, bạn có thể tải về và sử dụng bản Packet Tracer 5.1 (http://tinyurl.com/packettracer51) cho quá trình tự học của mình. Sau khi cài đặt và khởi động chương trình, ta có một cửa sổ giao diện chính gồm nhiều phân vùng. Vùng trắng ở giữa là nơi bạn thiết kế và xây dựng một hệ thống mạng ảo gồm các thiết bị Cisco. Cạnh dưới bên trái là vùng cung cấp các loại thiết bị cho quá trình thiết kế. Sau khi bấm chọn vào từng loại thiết bị khác nhau như Routers, Switches, Wireless hay End Devices…, bạn lại có thể chọn một sản phẩm cụ thể trong dòng sản phẩm đó như Cisco 2811 hay Catalyst 2960… ở phần cửa sổ cạnh bên. Phần cạnh phải của chương trình là các công cụ xử lý và hiệu chỉnh sơ đồ mạng như đánh dấu, di chuyển, sao chép hay xóa một hoặc nhiều thành phần.

Để bắt đầu thiết kế một mạng WAN đơn giản gồm ba Router kết nối với nhau bằng đường leased-line qua cổng Serial, ta thực hiện từng bước như sau:

Đầu tiên, bạn bấm chọn mục Routers trong cửa sổ phân nhóm thiết bị. Sau đó, bạn chọn loại Router muốn dùng như Cisco 2811, rồi dùng chuột kéo thả nó vào vùng trắng phía trên. Bạn lặp lại thao tác này ba lần để có ba Router trong sơ đồ.

Mặc định trong Router Cisco 2811 không có các cổng Serial, nên ta cần phải lắp thêm các cổng này vào thiết bị. Bạn bấm kép chuột vào biểu tượng Router trong sơ đồ để thực hiện việc này. Một cửa sổ mới sẽ bật lên với ba thẻ PhysicalConfig và CLI. Trong thẻ Physical, bạn có thể chọn một loại card mở rộng trong danh sách ở tay trái để thả vào các khe (slot) màu đen còn trống trên Router. Có hai loại card cung cấp cho Router cổng Serial dùng để kết nối đường leased-line là WIC-1T và WIC-2TCardWIC-1T cung cấp một cổng còn WIC-2T cung cấp hai cổng Serial, vì vậy tùy vào nhu cầu về số cổng mà bạn sử dụng loại card tương ứng. Trong ví dụ này ta cần kết nối ba Router lại theo hình tam giác, nên mỗi Router sẽ cần ít nhất hai cổng Serial. Vì thế, bạn có thể dùng một card WIC-2T hay hai cardWIC-1T là đủ. Bạn cũng đừng quên nhấn nút tắt nguồn Router trước khi thực hiện việc lắp thêm card này, cũng như mở lại nguồn sau khi làm xong. Nếu không thực hiện đúng việc tắt nguồn, bạn sẽ không thể lắp thêm card, và nhận được một thông báo nhắc nhở Cannot add a module when the power is on.

Sau khi thực hiện tương tự với hai Router còn lại, để mỗi Router đều có ít nhất hai cổng Serial, chúng ta tiến hành kết nối chúng lại với nhau. Quay trở lại cửa sổ thiết kế chính của chương trình, ta xếp ba Router ở ba góc của một hình tam giác. Sau đó, ta chọn thành phần mạng là Connections, chọn loại dây kết nối là Serial DTE hay Serial DCE. Bấm vào một Router bất kỳ, một cửa sổ nhỏ sẽ hiện lên để bạn xác định cổng Serial mà bạn muốn sử dụng cho kết nối đó. Bấm chọn cổng tùy ý, rồi rê chuột bấm sang Router kế tiếp và chọn tương tự, ta sẽ thực hiện thành công một kết nối đầu tiên. Bạn lặp lại các thao tác như trên với các kết nối còn lại để có sơ đồ như mong muốn.

Bạn cũng có thể thực hiện thêm các kết nối mạng LAN giữa Router và các máy tính. Bấm chọn mục End Devices trong thành phần mạng, rồi kéo các máy tính với mục chọn General thả vào vùng thiết kế, ta có thêm một số PC trong sơ đồ. Để kết nối vào Router, ta dùng kiểu dây kết nối là Copper Cross-over (cáp đồng bấm theo chuẩn chéo) và cổng giao tiếp trên PC và Router đều là FastEthernet.

Sau khi đã hoàn tất sơ đồ mạng, bạn có thể bắt đầu cấu hình các thiết bị theo hai cách. Bấm kép chuột vào Router, ta sẽ quay lại cửa sổ cấu hình thiết bị với ba thẻ như ban đầu. Lần này, ta sẽ phải dùng thẻ Config để cấu hình Router theo dạng nhập liệu vào các ô hay đánh dấu chọn chức năng. Tuy nhiên, khi thực hành bài lab của môn học này, giảng viên thường yêu cầu học viên phải tiến hành cấu hình bằng cách gõ lệnh. Thẻ CLI (Command Line Interface) sẽ tạo ra giao diện dòng lệnh tương tự như khi bạn kết nối vào Router bằng cổng Console trong thực tế.

Giờ đây, bạn đã có thể tiến hành cấu hình theo bài học hay thử nghiệm các môi trường làm việc ảo trước khi áp cấu hình vào hệ thống thực. Muốn giữ các cấu hình và sơ đồ thiết kế hiện tại mà bạn vừa tạo ra để sử dụng lại về sau, bạn chọn menu File – Save As và gõ vào một cái tên gợi nhớ để lưu xuống đĩa cứng với phần đuôi .pkt. Sau này, khi cần nạp lại sơ đồ cùng cấu hình mạng đã lưu, bạn chỉ việc bấm kép chuột vào tập tin đó trên đĩa, hoặc dùng menu File – Open rồi chọn tên tập tin.

THANH DUY – TUYẾT PHONG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Tuyển sinh cao đẳng chính quy
Đăng ký trực tuyến hệ cao đẳng chính quy, hệ đào tạo liên kết, du học Nhật Bản
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây